Bạn thường nghe nói nhiều về hàn the đúng không nào? Người bán chả cá nói không dùng hàn the, người bán bò viên cam kết không dùng hàn the, … Vậy hàn the là gì? Hàn the có độc hại đến như mọi người vẫn nghĩ về nó không? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm những kiến thức về hàn the nhé!

1. Tổng quan về hàn the

1.1 Hàn the là gì?

Hàn the là muối Borax Natri, thường tồn tại ở dạng tinh thể trong suốt hoặc bột màu trắng, mềm, không mùi, vị ngọt và hơi cay, hòa tan rất tốt trong nước. Khi để ra ngoài không khí khô, nó bị mất nước dần và trở thành khoáng chất tincalconit màu trắng như phấn (Na2B4O7.5H2O). Borax thương phẩm được bán ra thông thường bị mất nước một phần.

Công thức hoá học của hàn the

Công thức hoá học của hàn the

Hàn the là loại hóa chất công nghiệp thực phẩm khá phổ biến được sử dụng tương đối rộng rãi trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Thực phẩm dùng hàn the sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng và bảo quản. Lý do mà hàn the được sử dụng trong thực phẩm là nó có tính sát khuẩn nhẹ và làm cho sản phẩm tinh bột, thịt, cá, … trở nên dai và hấp dẫn hơn.

1.2 Phân loại và công thức hoá học

Trong hóa học, Borax gồm có các loại sau:

– Borax khan hay têtraborax natri khan (Na2B4O7)

– Borax Pentahiđrat (Na2B4O7.5H2O)

– Borax Đêcahiđrat (Na2B4O7.10H2O)

1.3 Hàn the có độc không?

Một đánh giá năm 2006 về hóa chất của EPA Hoa Kỳ cho thấy không có dấu hiệu nhiễm độc do phơi nhiễm và không có bằng chứng về độc tế bào ở người. Không giống như nhiều muối, da tiếp xúc với Borax không gây kích ứng da.

Một biểu quyết gần đây trên VnExpress.net cho thấy, người sử dụng vẫn chưa ý thức hết nguy hiểm của borax. Trong số 1.003 kết quả biểu quyết cho thấy có 67,8% người được hỏi cho rằng biết là hàn the độc hại nhưng không có lựa chọn nào khác, 22,6% trả lời là không để ý. 6,7% cho rằng ít nên không sao và 2,9% cho rằng hàn the chẳng ảnh hưởng gì. Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất được một loại phụ gia thực phẩm có tên là PDP từ nguyên liệu tự nhiên như vỏ tôm, cua, mai, mực, có thể thay thế hàn the trong sản phẩm chế biến.

2. Những công dụng của hàn the là gì?

Từ lâu, hàn the đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dược phẩm và thực phẩm, nghiên cứu khoa học cũng như cuộc sống hàng ngày.

2.1 Trong sản xuất công nghiệp

Borax Natri được sử dụng trong công nghệ luyện kim, chế tác vàng bạc. Bột Borax Natri được dùng để đánh bóng bề mặt kim loại, sản xuất men sứ, kính chống nấm, một số vật liệu chịu nhiệt, bột giặt và một số loại chất tẩy rửa.

Hàn the được dùng làm hoá chất tẩy rửa, xà phòng

Hàn the được dùng làm hoá chất tẩy rửa, xà phòng

Hỗn hợp của borac và clorua amôni (NH4Cl) được sử dụng như là chất trợ chảy khi hàn các hợp kim chứa sắt như thép. Nó hạ thấp điểm nóng chảy của các oxit sắt không mong muốn, cho phép nó chảy ra. Borac cũng được trộn với nước làm chất trợ chảy khi hàn các kim loại quý như vàng hay bạc. Nó cho phép que hàn nóng chảy chảy tràn lên các mối nối cần thiết.

2.2 Trong nông nghiệp

Nguyên tố Bo cần cho cây trồng

Nguyên tố Bo cần cho cây trồng

Với một lượng nhỏ, nguyên tố Bo thúc đẩy quá trình phát triển của cây trồng, nhất là trong quá trình ra hoa, kết quả, đâm chồi và phát triển rễ cây. Tuy nhiên, cây trồng trên vùng đất có nhiều Borat Natri thường lại bị còi cọc, giảm năng suất và chóng thoái hóa. Động vật cũng chỉ cần một lượng rất nhỏ nguyên tố Bo.

2.3 Trong phòng thí nghiệm

Borax Natri được dùng làm chất đệm trong phân tích gen (ADN), phân tích sắc phổ hoặc tạo dung dịch nhũ tương nhằm hòa tan các chất hóa học khác trong nước.

2.4 Trong y tế

Hàn the được sử dụng để sản xuất một số dung dịch diệt khuẩn ngoài da hoặc ở niêm mạc, thuốc tẩy uế và hóa chất diệt côn trùng (kiến, bọ chét, gián,…)

2.5 Trong thực phẩm

Tác dụng của hàn the trong thực phẩm là giúp hạn chế lên men, chống nấm mốc, diệt khuẩn,…giúp cho thực phẩm tươi lâu, màu sắc bắt mắt, tăng độ dẻo dai của một số thực phẩm như giò chả, hủ tíu, bánh tráng,…

2.6 Trong sinh hoạt

Nhiều người thường dùng hàn the để đánh bóng nồi, chảo; tiêu diệt nấm mốc trong nhà; dùng để tẩy sạch toilet,…

– Diệt kiến, gián, rệp,… bằng hàn the: Các bạn chỉ cần trộn hàn the với đường rồi đổ ra giấy, sau đó để tờ giấy này vào các nơi kín như kẹt, hóc tủ trong nhà, những loài côn trùng này ăn phải hàn the sẽ bị ngộ độc và chết ngay.

Hàn the diệt côn trùng

Hàn the diệt côn trùng

– Đánh bóng nồi, chảo: Rắc hàn the lên và ngâm vài phút sau đó chùi rửa lại với nước rửa chén, những vết dầu mỡ sẽ được đánh bay, nồi chảo sẽ sạch bong sáng bóng.

– Tiêu diệt nấm mốc trong nhà: Pha hàn the với ít nước rồi dùng hỗn hợp này thoa lên chỗ nấm móc để qua đêm, sáng hôm qua lau sạch lại chỗ nấm mốc bám.

– Dùng để tẩy sạch toilet: Rắc hàn the vào bồn cầu để qua đêm rồi dùng cọ rửa bồn cầu lại, bồn cầu sẽ được tẩy sạch sẽ.

3. Những tác hại của hàn the đối với sức khoẻ

Hàn the nếu sử dụng đúng là một chất hữu ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người lạm dụng hàn the để trục lợi gây nên nhiều tác hại cho người dùng. Lĩnh vực lạm dụng nhiều nhất có thể kể đến là ngành thực phẩm vì trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, riêng trong ngành thực phẩm – phụ gia thực phẩm, hàn the là chất bị Bộ Y Tế Việt Nam cấm sử dụng.

Các thực phẩm thường sử dụng hàn the

Các thực phẩm thường sử dụng hàn the

Cũng vì hàn the có khả năng diệt khuẩn, chống nấm mốc nên nhiều tiểu thương nhằm tăng lợi nhuận đã lạm dụng hàn the với liều lượng nhiều để tẩm ướp thực phẩm làm cho thịt, cá, giò chả,… tươi lâu hơn, dẻo dai hơn. Với liều lượng nhiều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, cụ thể như sau:

3.1 Ngộ độc hàn the

Khi ăn phải thực phẩm có hàn the thì cơ thể có thể đào thải khoảng 70% còn lại được tích tụ trong các cơ quan nội tạng, đến lúc nào đó lượng hàn the lên tới 5g thì gây ngộ độc cấp và mãn tính, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

3.2 Gây đau bụng, tiêu chảy

Đối với người có đường ruột yếu thì khi ăn phải thực phẩm chứa hàn the dễ gây tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa. Lâu dần sẽ tích tụ trong gan dẫn đến hại gan, suy nhược cơ thể.

3.3 Gây trầm cảm, suy thận

Hàn the kích thích hệ thần kinh có thể gây trầm cảm, riêng thận phải lọc nhiều chất độc trong hàn the lâu ngày sẽ suy yếu và rối loạn chức năng thận.

3.4 Ảnh hưởng đến thai nhi

Nếu phụ nữ có thai, hàn the còn được đào thải qua sữa và nhau thai, gây độc hại cho thai nhi. Với trẻ em dùng thực phẩm có hàn the lâu ngày, tác hại này sẽ tăng dần, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt đối với trẻ em trong tuổi trưởng thành.

4. Những thực phẩm thường chứa hàn the

Hiện nay, hàn the bị lạm dụng khá nhiều trong những thực phẩm vì chúng làm tăng độ ngon như dai và giòn hơn, bảo quản lâu ngày hơn. Những thực phẩm nhà sản xuất thường lạm dụng hàn the như:

– Bánh giò, nem, chả lụa, chả bò, giò thủ (giò lụa)

– Bánh phở, bún sợi, bún khuôn

– Bảo quản thịt gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt), thủy sản, hải sản (cá, tôm, mực)

– Gia vị (hạt nêm, muối, đường…): Trường hợp này thường xảy ra việc nhầm lẫn khi để hàn the cạnh những phụ gia này.

5. Cách phân biệt thực phẩm có chứa hàn the hay không

Nhận biết thực phẩm chứa hàn the bằng quỳ tím

Nhận biết thực phẩm chứa hàn the bằng quỳ tím

Trong thời buổi “nhiễu nhương” hiện nay, người dùng cần hiểu biết và nắm được một số mẹo nhận biết thực phẩm chứa hàn the hay không để bảo vệ sức khỏe. Một số cách bạn có thể dùng như:

– Dùng tăm bông tẩm nghệ: Nếu thực phẩm có hàn the, tăm bông tẩm nghệ sẽ nhanh chóng chuyển từ màu vàng (của nghệ) sang màu đỏ vì hàn the là một dạng muối kiềm.

– Khứu giác: Một thực phẩm “sạch” có mùi thơm tự nhiên trong khi thực phẩm chứa hàn the thơm nồng hơn.

– Thị giác: Giò, chả “sạch”, không chứa hàn the sẽ có màu trắng hồng và có nhiều lỗ khí trên bề mặt.

– Vị giác: Nếu đã thử 3 cách trên mà vẫn không xác định được, bạn hãy thử dùng vị giác xem. Nếu như thực phẩm dai, giòn quá đà, mất tự nhiên thì có thể đã có trộn hàn the làm chất bảo quản.

6. Các nguy cơ gây ngộ độc hàn the

Các nguy cơ gây ngộ độc hàn the như sau:

– Để lẫn hàn the với các phụ gia và gia vị thực phẩm, dễ gây nhiễm chéo hoặc dùng nhầm như là 1 gia vị, muối, mì chính, bột canh.

– Hàn the được cho vào các thực phẩm truyền thống như giò, chả, bánh phu thê, bún, bánh phở,… để tăng độ giòn dai và giúp bảo quản lâu.

– Sử dụng hàn the trong bảo quản thực phẩm: như bảo quản thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản.

Cách tốt nhất để tránh không bị Borax gây bệnh là không bao giờ dùng chất này trong thực phẩm. Đối với người bán tạp hóa hoặc bán lẻ, đừng bán Borax dưới dạng thành phần thực phẩm và bảo đảm để chúng ở riêng biệt và không gần những loại thực phẩm khác.

7. Mua hàn the ở đâu?

Hàn the có thể mua online

Hàn the có thể mua online

Bạn có thể mua hàn the ở những công ty chuyên bán chất phụ gia uy tín, chợ thương mại điện tử Lazada, Shopee… hoặc đến các chợ hóa chất như chợ Kim Biên. Tuy nhiên, vì đây là một chất nhạy cảm, bạn cần cân nhắc sử dụng đúng mục đích và liều lượng khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cộng đồng.

Hàn the cũng như những loại hoá chất khác, đều có những công dụng riêng của nó. Chúng ta cần biết về những công dụng của nó trước khi sử dụng và sử dụng đúng mục đích. Làm việc gì cũng phải có tâm, không nên vì cái lợi trước mắt mà sử dụng sai mục đích của hàn the, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân và người khác. Trên đây là những kiến thức về hàn the là gì, những công dụng của hàn the là gì, mong rằng bạn sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ mình tốt hơn.

>>Xem thêm: Tương ớt lên men tự nhiên của ADC, không sử dụng chất Sudan